Giảng viên Đại học Duy Tân giành giải C tại Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật 2019
Ngoài niềm đam mê dạy học, thầy Nguyễn Tiến Việt - Giảng viên khoa Kiến trúc, Đại học (ĐH) Duy Tân còn có một tình yêu lớn dành cho nghệ thuật. Nhiều tác phẩm mỹ thuật qua quá trình “thai nghén” đã được tạo dựng hình hài và để lại nhiều ấn tượng tại các cuộc Triển lãm Mỹ thuật hàng năm ở Tp. Đà Nẵng. Thành công nhất mà thầy nhận được trong năm 2019 là tác phẩm tranh khắc gỗ với nhan đề “Phận” đã đoạt giải C tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2019.
Giảng viên Nguyễn Tiến Việt nhận giải C
Đây là giải thưởng thường niên do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức, nhằm tôn vinh những sáng tạo của giới văn nghệ sĩ trong lĩnh vực Văn học Nghệ thuật thuộc các loại hình:
- Văn học,
- Văn nghệ Dân gian,
- Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật,
- Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Điện ảnh và Múa,…
- Sân khấu,
- Kiến trúc,
- …
Trong năm 2019, nhiều tác giả trẻ đã bứt phá, thể hiện sự tìm tòi, đổi mới sáng tạo về mặt nội dung nhưng vẫn trên tinh thần bám sát truyền thống, đạo lý của dân tộc. Ban Tổ chức đã trao:
- 10 giải thưởng cho các tác giả là hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương;
- 63 giải thưởng cho các tác giả là hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật Địa phương, trong đó có 1 giải A, 8 giải B, 22 giải C, 25 giải Khuyến khích và 7 giải tác giả trẻ.
Gửi đến tham dự Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2019, tác phẩm khắc gỗ phá bản “Phận” của thầy Việt Tiến đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và đánh giá cao từ Hội đồng giám khảo. Lựa chọn hình ảnh con trâu để đưa vào tác phẩm của mình, thầy Tiến Việt muốn khắc họa một hình ảnh rất gần gũi với đời sống của người nông dân Việt Nam. Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với lũy tre làng cũng thể hiện một nét văn hóa Việt. Nhìn vào bức tranh chúng ta thấy, con trâu dù có bị trói buộc, ẩn sâu trong đôi mắt là nỗi niềm riêng với những cảm xúc riêng.
Tác phẩm “Phận” của giảng viên Nguyễn Tiến Việt
Để có được một bức hình con trâu trên hình thức sáng tác là khắc gỗ phá bản đòi hỏi thầy Tiến Việt đã phải rất công phu và tỉ mỉ. Bởi đây là một kỹ thuật in đồ họa sử dụng bản in bằng gỗ có hình nổi với chất liệu in tranh bằng giấy gió. Với “Phận”, thầy Tiến Việt đã dùng dao khắc để kể chuyện. Thầy đã sử dụng dao cắt các phần không in ra khỏi mảnh gỗ đã được bào nhẵn, các phần nổi sau đó được quét màu lên và in theo từng lớp màu. Với gam màu nâu trầm tạo cảm giác yên bình của một làng quê Việt, cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khắc gỗ dân gian Việt Nam và khắc gỗ Nhật Bản, tác phẩm mỹ thuật “Phận” của thầy đã đem đến cho những người yêu nghệ thuật một cảm nhận đặc biệt về thế giới nội tâm sâu lắng mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm.
Dự thi ở loại hình Mỹ thuật năm nay, các tác giả đã vẽ nhiều chủ đề từ phong cảnh, tĩnh vật đến chân dung,… trên rất nhiều các chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ, đồ họa, acrylic, phù điêu,… Mỗi tác phẩm thể hiện một sự tìm tòi, trải nghiệm, cộng hưởng hưng phấn sáng tác của các tác giả nhằm mang đến những cung bậc cảm xúc khác biệt cho người xem. Chia sẻ niềm vui sau khi nhận được giải thưởng danh giá này, thầy Tiến Việt bày tỏ: “Đối với tôi - một giảng viên đến với nghệ thuật hội họa bằng tình yêu và niềm đam mê thì việc nhận được giải C từ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật là một niềm vinh dự rất lớn. Với vai trò là một giảng viên khoa Kiến trúc, ĐH Duy Tân, thành công ban đầu này sẽ là nguồn động lực to lớn để tôi ngày càng nỗ lực hơn nữa trong việc đổi mới công tác giạng dạy giữa thời đại Công nghệ 4.0 đang có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ như hiện nay. Trong tương lai gần, tôi rất mong muốn sẽ truyền đạt lại các kinh nghiệm và kỹ năng khắc gỗ phá bản cho sinh viên ĐH Duy Tân, giúp sinh viên có cái nhìn đa diện hơn về nghệ thuật.”
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về đào tạo Kiến trúc của ĐH Duy Tân tại đây: khoa Kiến trúc, khoa Đào tạo Quốc tế
(Nguồn:https://www.tienphong.vn/giao-duc/giang-vien-dh-duy-tan-gianh-giai-c-tai-giai-thuong-van-hoc-nghe-thuat-2019-1509817.tpo)